0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Start-up mỹ phẩm triệu đô nhờ Mạng xã hội

Ảnh hồ sơ
Admin MPG
08/04/2021

Sự phát triển nở rộ của các nền tảng mạng xã hội tạo ra những hình thức làm giàu nhanh chóng mới mẻ. Một trong số đó chính là start-up thương hiệu mỹ phẩm riêng bắt nguồn từ việc chia sẻ bí kíp làm đẹp trên Instagram, Youtube, Facebook,… Liệu bạn đã giải mã được nguyên nhân nào khiến họ thành công và ngành công nghiệp mới này có tiềm năng phát triển ra sao?

Những bà hoàng làng start-up mỹ phẩm

Đầu tiên phải kể đến Kylie Jenner – tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới từ trước tới này. Giá trị tài sản ròng 1 tỷ USD của Jenner chủ yếu đến từ dòng mỹ phẩm được ra mắt vào năm 2015 mang chính tên cô: Kylie Cosmetic. Doanh thu ước tính 360 triệu USD với giá trị của công ty khoảng 900 triệu USD.

Năm 2018, Jenner góp mặt trong danh sách những phụ nữ giàu nhất của Forbes cùng với những “nữ hoàng trang điểm trên Instagram” khác như Anastasia Soare, Huda Kattan và Kim Kardashian West hay Michelle Phan – mỗi người thu hút người theo dõi và gây ấn tượng, ghi nhớ theo những cách riêng.

Còn tại thị trường Việt, tiêu biểu nhất chính là Changmakeup – beauty blogger đầu tiên của nước nhà ra mắt dòng mỹ phẩm riêng mang tên Ofélia vào cuối năm 2016. Tính tới nay kênh Youtube của Changmakeup có trong tay hơn 1 triệu người đăng kí, tài khoản Facebook và Instagram cũng sắp cán mốc 1 triệu followers. Kể về lần ra mắt online của Ofélia, hơn 14.000 thỏi son đã nhanh chóng được chị em nhau tranh nhau mua khiến website chính thức bị sập cả buổi. Sau đó, Ofélia lần đầu được mở bán offline tại một cửa hàng trên đường 3/2, quận 10 thành phố Hồ Chí Minh. Dù đến tận 9 giờ mới mở cửa nhưng 6 giờ sáng đã thấy người tiêu dùng xếp hàng đông kín góc đường. Đến khi mở cửa được vài phút thì hết hàng, vỡ trận và phải tạm đóng cửa ngay sau đó.

Changmakeup hiện sở hữu 1,073 triệu người theo dõi trên Youtube

Start-up thương hiệu mỹ phẩm nhờ mạng xã hội: vì sao họ thành công?

Nhiều người cho rằng thành công của những nữ hoàng start-up thương hiệu mỹ phẩm trên chỉ là một điều ngẫu nhiên xảy tới khi họ là người nổi tiếng sở hữu lượng fans hâm mộ đông đảo sẵn sàng ủng hộ sản phẩm họ tung ra. Nhưng thực tế thì cuộc đời đâu thể “dễ ăn” như vậy, mọi việc đều có nguyên nhân của nó, Kylie Jenner, Michelle Phan hay Changmakeup cũng không thể tự nhiên hô biến ra hàng vạn người hâm mộ được.

Vậy sau đây hãy cùng thử phân tích những lý do chính khiến các beauty blogger này ăn nên làm ra khi launching thương hiệu mỹ phẩm riêng:

1, Áp dụng tuyệt vời mô hình phễu Marketing

Thông qua việc khởi đầu bằng hình thức chia sẻ miễn phí các tips làm đẹp, review mỹ phẩm,… các beauty blogger này tìm được đối tượng khách hàng tiềm năng quan tâm tới phương pháp làm đẹp rồi muốn mua sản phẩm làm đẹp. Kế đến, thương hiệu mỹ phẩm họ sẽ ra mắt sau đó sẽ nằm trong phân khúc giá của đại đa số các sản phẩm son môi, phấn má, kẻ mày,… được họ review trước đó. Rõ ràng, họ đã hình thành các bước lọc rất khôn ngoan từ:

Những người quan tâm làm đẹp => Những người muốn mua mỹ phẩm hỗ trợ => Những người muốn mua các sản phẩm trong phân khúc giá họ target.

Có được tệp khách hàng đúng ý như vậy rồi, sau một quá trình chia sẻ kiến thức làm đẹp nhận được sự tin tưởng và yêu mến của khán giả rồi, việc của các beauty blogger sau đó chỉ là ra mắt sản phẩm, review giới thiệu sản phẩm của chính mình và các hoạt động phân phối, thúc đẩy doanh số khác.

2, “Đừng cố bán, hãy giúp họ mua”

Với mô-típ “chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp”, các beauty blogger dễ dàng chiếm được trái tim khách hàng, dẫn dắt người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm của mình theo hướng “cần tìm mỹ phẩm giúp cải thiện, nâng tầm nhan sắc” chứ không đi đường “tôi muốn bán sản phẩm có công dụng làm đẹp” nào đó.

Người có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt lại là phụ nữ thường có xu hướng mua hàng cảm tính và dễ dàng bị thuyết phục bởi những mô-típ “giúp đỡ, mách nhau” như thế này.

3, Vận dụng tối đa lợi thế thế giới số

Facebook hiện có gần 2 tỷ người dùng hoạt động, Instagram và Youtube cùng nắm giữ hơn 1 tỷ người. Rõ ràng, đây là những miếng đất màu mỡ cho các nhà kinh doanh, “nơi nào có người, nơi đó có khách hàng!”. Hơn nữa, các thông tin khai báo của người sử dụng với các nền tảng này cũng dễ dàng giúp phân tích, phân loại người dùng từ độ tuổi, giới tính, vị trí,.. cho tới cả mối quan tâm.

Điều thứ 2 chính là sức lan tỏa của mạng xã hội và sự “miễn phí” của nó. Một nội dung hay, một chiến dịch thú vị sẽ giúp các Marketer giảm thiểu chi phí quảng cáo một lượng trông thấy khi các khách hàng, khách hàng tiềm năng, người quan tâm sẽ giúp họ lan truyền nội dung chứa thông tin sản phẩm đến hàng trăm, hàng ngàn người khác qua việc bình luận, nhắc tới, chia sẻ lại lên trang cá nhân… . “Hãy ấn nút share vì nó là miễn phí” – đây là câu nói quen thuộc đã xuất hiện “nhẵn mặt” trên Facebook Việt Nam thời gian vừa qua.

Điều thứ 3, xu hướng thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ mua hàng trực tiếp tại cửa hàng địa phương sang mua hàng trực tuyến. Điều này giúp thu ngắn khoảng cách giữa việc xem tin tức, nhận biết sản phẩm, thương hiệu qua mạng xã hội tới hành vi đặt mua hàng hơn hẳn việc phải người tiêu dùng phải lọ mọ tìm cửa hàng gần nhất trong cuộc sống bộn bề nhiều khi khiến họ quên mất mình định mua gì hay đơn giản là vì.. lười đi.

Xu hướng gia tăng mua sắm online nở rộ

Các con số và phân tích trên đã dễ dàng giải thích cho việc ngày càng nhiều người tham gia vào lĩnh vực kinh doanh thương hiệu mỹ phẩm riêng, họ có thể là những người nổi tiếng hoặc những người bình thường khác đang bắt đầu xây dựng độ nhận biết cá nhân qua mạng xã hội để trở thành các KOLs. Tiềm lưc ngành công nghiệp mỹ phẩm hiện đang phát triển như vũ bão với nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng khi con người có mức sống cao hơn, “cơm no áo ấm” đã được giải quyết trọn vẹn thì họ sẵn sàng đầu tư cho sắc đẹp, cho các giá trị tinh thần.

Tuy nhiên, mặc dù nở rộ tại thị trường nước ngoài với nhiều hãng mỹ phẩm đình đám như vậy nhưng ở Việt Nam, hình thức kinh doanh này vẫn chưa thể đuổi kịp nhịp độ phát triển, số lượng beauty blogger người Việt không ít chút nào nhưng mới chỉ có một vài người dám đứng ra liên kết hay tự thân mở thương hiệu làm đẹp riêng. Thật trớ trêu khi lực lượng đông đảo vận hành hình thức kinh doanh này ở nước ta lại là những … cô bán kem trộn – không giấy phép lưu hành, không có chứng minh tác dụng thế nhưng vẫn hốt bạc qua những bài chia sẻ, livestream quảng cáo trên Facebook. Đấu lại các đối thủ amateur trên có lẽ là một điều không khó đối với những người có kiến thức cơ bản về Sản phẩm & Marketing, đây sẽ là cơ hội lớn cho những ai muốn đầu tư nghiêm túc và mang lại sản phẩm chất lượng theo mô hình kinh doanh thương hiệu mỹ phẩm riêng đã cá kiếm hơn 330 tỷ USD trên toàn cầu này.

Cùng chuyên mục