0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

6 Cấp độ nhu cầu của khách hàng – hiểu để làm đúng

Ảnh hồ sơ
Hồng Ngọc
05/06/2021

Bạn đang thắc mắc tại sao lại là 6 cấp độ nhu cầu của khách hàng chứ không phải con số khác?

Hẳn mọi người đã quen thuộc với hệ thống phân loại nhu cầu nổi tiếng “Tháp nhu cầu của Maslow“. Trong đó, Maslow chia nhu cầu của con người thành 5 bậc khác nhau. Nhưng mô hình Maslow chỉ dùng để phân chia các loại nhu cầu khác nhau của con người. Còn bài viết này sẽ phân chia một nhu cầu cụ thể thành các cấp độ (giai đoạn) khác nhau.

Từ khi khách hàng phát sinh một nhu cầu đến khi họ thực sự chi tiền để mua một sản phẩm. Thì họ đã phải trải qua các cấp độ khác nhau của nhu cầu. Ở mỗi cấp độ, khách hàng sẽ có những tâm lý hành vi khác nhau. Người bán hàng/marketing sẽ dựa vào đó để cung cấp thông tin phù hợp với nhu cầu của mỗi khách hàng. Giờ hãy đi vào cụ thể xem 6 cấp độ nhu cầu là gì? Và ứng dụng của nó trong marketing ra sao nhé.

mo-hinh-thap-maslow

Mô hình tháp nhu cầu của Maslow

I. 6 Cấp độ nhu cầu của khách hàng

Cấp độ 1: Không có vấn đề

Khách hàng về cơ bản là không gặp phải vấn đề, nên họ cũng không phát sinh nhu cầu với sản phẩm.

Ví dụ:

  • Không có tóc nên không có nhu cầu mua lược.
  • Không ốm nên không có nhu cầu mua thuốc
  • Không béo nên không có nhu cầu giảm cân

Cấp độ 2: Có vấn đề, không có nhu cầu

Khách hàng hoàn toàn là có vấn đề. Nhưng vì một trong các lý do dưới đây nên họ chưa phát sinh nhu cầu:

  • Không đủ năng lực tài chính.

Ví dụ: Người nhiều tiền hay ít tiền thì ai cũng muốn mua nhà. Nhưng nhiều người tài chính không vững, nên không nghĩ mình có thể mua được 1 căn nhà ở Hà Nội => họ chưa phát sinh nhu cầu mua nhà cụ thể.

  • Không thấy có giải pháp nào phù hợp với bản thân.

Ví dụ: Người lùn thì ai cũng muốn tăng chiều cao, nhưng họ nghe đến tập thể thao là mệt, nghe đến kéo xương chân là sợ => chưa phát sinh nhu cầu cụ thể.

  • Chưa nhìn ra lợi ích hoặc thấy không cần thiết. Ví dụ: bảo hiểm.
  • Không biết là trên đời có giải pháp.

Ví dụ:

  • 10 năm trước chúng ta không biết trên đời có taxi công nghệ. Vì thế, chúng ta cũng không có nhu cầu với Uber hay Grab.
  • 20 năm trước chúng ta không biết trên đời này có smartphone. Do đó, chúng ta cũng không có nhu cầu với Apple hay Oppo.

Mặc dù có tới 4 lí do, nhưng về cơ bản, chúng ta có thể mô tả cấp độ nhu cầu này đơn giản như sau: đây là nhóm khách hàng bản chất là có vấn đề. Nhưng họ chưa biết trên đời có những giải pháp phù hợp với họ, giúp họ giải quyết được vấn đề, nên họ chưa phát sinh nhu cầu cụ thể nào với sản phẩm/dịch vụ của chúng ta.

nhu-cau-khach-hang

Khách hàng cảm thấy không cần thiết với bảo hiểm

Cấp độ 3: Có nhu cầu, đang tìm kiếm giải pháp

Khách hàng đang phân vân giữa các hệ thống giải pháp khác nhau, giúp họ xử lý vấn đề.

Ví dụ: khách có nhu cầu giảm cân

  • Tập thể dục là một hệ thống giải pháp
  • Trị liệu bằng đánh mỡ bụng là một hệ thống giải pháp
  • Sản phẩm hỗ trợ là một hệ thống giải pháp
  • Hút mỡ là một hệ thống giải pháp

Một ví dụ khác: cùng là cư trú thì thuê nhà và mua nhà cũng là 2 hệ thống giải pháp khác nhau.

Mỗi hệ thống giải pháp sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Khách hàng đang phân vân xem đâu là giải pháp phù hợp với mình. Họ sẽ so sánh về chi phí, hiệu quả, rủi ro của từng phương pháp để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với bản thân.

Cấp độ 4: Đã biết giải pháp, đang tìm kiếm thương hiệu

Khách hàng đã lựa chọn được hệ thống giải pháp, đang tìm kiếm đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ phù hợp nhất. Và quan trọng là họ chưa biết đến thương hiệu của chúng ta.

Ví dụ: khách có nhu cầu giảm cân, sau khi lựa chọn giải pháp hút mỡ, họ sẽ tìm kiếm một địa chỉ uy tín để thực hiện.

Nếu như coi cấp độ 1 & 2 là bạn đang đi tạo ra khách hàng mới, bằng cách tạo ra nhu cầu cho những người ban đầu chưa có nhu cầu. Thì ở cấp độ 3 & 4, bạn không phải tạo khách hàng mới, mà là đi “cướp” khách hàng từ tay đối thủ. Vì rõ ràng, lúc này khách đang phân vân giữa nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm/dịch vụ gần giống nhau. Thậm chí, ở cấp độ 3 & 4, khách hàng có thể đã và đang sử dụng sản phẩm/dịch vụ của đơn vị khác, bạn phải thuyết phục họ chuyển qua sử dụng sản phẩm/dịch vụ của mình.

Cho nên, việc xác định nhóm đối tượng mục tiêu là người đã có sẵn nhu cầu, hay người chưa có nhu cầu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược Marketing dài hạn của bạn. Rất nhiều người bỏ qua việc phân biệt mức độ nhu cầu trong khâu phân khúc khách hàng. Bạn không nhất thiết phải trọng 1 trong 2, nhưng ít nhất phải có 2 kế hoạch riêng cho nó.

tim-kiem-thuong-hieu

Cấp độ 4: Đã biết giải pháp, đang tìm kiếm thương hiệu

Cấp độ 5: Đã biết đến thương hiệu, đang phân vân ra quyết định

Khách đã biết đến thương hiệu của chúng ta, nhưng còn đang phân vân điều gì đó nên chưa quyết định mua.

Ví dụ: khách đã search từ khóa thương hiệu của chúng ta, khách đã vào đọc landingpage/website của chúng ta nhưng chưa mua

Cấp độ 6: Đã mua sản phẩm, đang phân vân mua lại

Khách đã mua sản phẩm/dịch vụ của chúng ta, họ đang phân vân xem có nên tiếp tục mua sản phẩm của chúng ta hay không.

Trên đây là 6 cấp độ, hoặc có thể gọi một cách khác là 6 giai đoạn nhu cầu của khách hàng đối với một sản phẩm/dịch vụ cụ thể.

Có một số lưu ý quan trọng như sau:

1. Khách hàng không nhất thiết trải qua hết các giai đoạn lần lượt từ 1 đến 6. Khách hàng có thể nhảy cóc từ 2 sang 4 hoặc 5 dễ dàng.

Ví dụ: Trước đây, bạn không có nhu cầu mua bảo hiểm vì không thấy lợi ích của nó. Nhưng sau khi gặp tai nạn phải nhập viện bạn nhận thấy “cuộc đời không biết trước được điều gì”. Bạn thấy cần thiết phải mua bảo hiểm đề phòng trường hợp rủi ro. Đúng lúc đó, bạn được một người thân giới thiệu một thương hiệu bảo hiểm mà họ đang tham gia. Bạn thấy hấp dẫn và tin tưởng vì được người thân giới thiệu nên tìm hiểu về thương hiệu đó. Như vậy bạn đã chuyển từ cấp độ 2 sang thẳng cấp độ 5 mà bỏ qua cấp độ 3,4.

2. Khách hàng có thể quay ngược lại các cấp độ thấp hơn, chứ không phải lúc nào cũng tiến lên trong chuỗi 6 cấp độ.

Ví dụ: khách hàng đang tìm kiếm sản phẩm mua nhà, tức là đang ở cấp độ 4. Nhưng sau khi tìm kiếm nhiều thương hiệu, nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm vẫn thấy không ok, khách lại quay lại phân vân giải pháp thuê nhà, tức là quay lại cấp độ 3.

II. Ứng dụng của 6 cấp độ nhu cầu

Sau khi đã hiểu sơ bộ về 6 cấp độ nhu cầu, bạn sẽ thấy một vấn đề: Chúng ta không thể dùng chung 1 thông điệp cho các cấp độ khác nhau được. Mỗi cấp độ, khách hàng sẽ cần những thông tin chuyên biệt, đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

Ví dụ 6 cấp độ nhu cầu:

Cấp độ 1: 

Họ vốn dĩ không có vấn đề, đừng giới thiệu sản phẩm với họ. Nếu muốn đánh vào thị trường này, trước hết phải tạo ra nhu cầu. Hãy kể một câu chuyện khác về sản phẩm của bạn. Một câu chuyện khác ở đây có thể bao gồm một công dụng khác của sản phẩm. Hãy biến khách hàng từ người không có vấn đề thành người có vấn đề.

Ví dụ:

  • Nếu bạn muốn bán băng vệ sinh cho đàn ông, hãy chỉ họ cách dùng băng vệ sinh để lót giày.
  • Nếu muốn bán lược cho sư, hãy chỉ cho họ cách dùng lược làm quà tặng (câu chuyện kinh điển)
  • Nếu bạn muốn bán nhà cho người đã có nhà, hãy nói về câu chuyện đầu tư.
cap-do-nhu-cau

Cấp độ 1: Nếu muốn bán nhà cho người đã có nhà, hãy nói về câu chuyện đầu tư.

Cấp độ 2: 

Họ chưa có nhu cầu, hãy thuyết phục họ phát sinh nhu cầu. Để tạo ra nhu cầu, chúng ta phải đánh mạnh vào lợi ích cảm tính và lý tính.

  • Ai cũng có muốn sức khỏe, nhưng không phải ai cũng có nhu cầu mua máy lọc nước. Lúc ấy, thông điệp tiếp cận phải là lợi ích có được khi sử hữu máy lọc nước.
  • Ai cũng có muốn nhà cửa sạch sẽ, nhưng không phải ai cũng có nhu cầu về máy hút bụi. Lúc ấy, bạn phải nêu ra lợi ích của dòng sản phẩm này, để tạo ra nhu cầu cho khách hàng.

Cấp độ 3:

Họ đã có nhu cầu, đang phân vân các hệ thống giải pháp. Bạn phải đưa ra những thông tin chứng minh tính ưu việt hoặc tính phù hợp hệ thống giải pháp của bạn.

Bạn muốn bán sản phẩm tập thể dục giảm cân. Đối với những người đã từng thất bại với các cách giảm cân khác, tức là họ ở đang ở cấp độ 3, chúng ta không cần giải thích với họ lợi ích của giảm cân. Mà chỉ đơn giản là tập trung đưa ra ưu điểm phương pháp của bạn với các phương pháp khác.

Cấp độ 4:

  • Họ đã chọn được giải pháp, bạn muốn họ mua sản phẩm của mình?
  • Thông điệp lúc ấy sẽ không phải là lợi ích, mà phải xoay quanh “tính năng, giá, khuyến mãi, thương hiệu”.
  • Một người đang muốn tìm phòng tập gym, những thông tin gì sẽ khiến họ chú ý?

Cấp độ 5:

Họ đã biết đến sp của chúng ta, nhưng còn phân vân. Hãy thúc đẩy họ bằng 2 mảng thông tin quan trọng:

  • Khuyến mãi
  • Reason to beleive: giải thưởng, feedback, kols, ý kiến chuyên gia, nghiên cứu khoa học
nghien-cuu-khoa-học

Cấp độ 5: Có thể thúc đẩy bằng những nghiên cứu khoa học

Cấp độ 6:

Họ đã mua sản phẩm, nhưng chưa biết có nên tiếp tục mua lại hay không. Lúc này, đơn giản thôi, các thông tin thúc đẩy họ mua hàng lần 2 sẽ là:

  • Liệu trình/lộ trình sử dụng sản phẩm đúng, cần dùng bao nhiêu mới đủ
  • Những cách sử dụng sản phẩm khác
  • Chính sách ưu đãi cho khách hàng trung thành

Đó là 6 cách tiếp cận rất rất cơ bản cho mỗi cấp độ nhu cầu. Ngoài ra, để ứng dụng toàn diện mô hình này trong thực tế, chúng ta còn phải giải quyết một số bài toán khác như:

  • Làm sao để phân biệt khách hàng nào đang ở nhu cầu nào?
  • Làm sao lựa chọn được nhóm khách hàng phù hợp với nguồn lực doanh nghiệp?
  • Kênh nào sẽ giúp chúng ta tiếp cận với từng nhóm đối tượng?

Trong phạm vi bài viết chưa thể giải quyết đầy đủ các vấn đề đó. Nhưng qua phân tích trên, cũng giúp bạn nắm được phần nào cách người làm marketing khai thác nhu cầu của khách hàng.

Tác giả: HLV Phùng Thái Học

Cùng chuyên mục