0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Sự khác biệt giữa content PR và content quảng cáo

Ảnh hồ sơ
Đỗ Thị Khánh Huyền
20/08/2022

Để làm được 1 nhà sản xuất content tốt thì các bạn cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa content PR và content quảng cáo. Đây là 2 lĩnh vực khác biệt nhau tuy nhiên nhiều người lại nhầm lẫn nó là một. Vì thế nên, hãy cùng nhau phân biệt PR và quảng cáo thông qua bài viết dưới đây!

Content PR là gì?

PR (hay còn gọi là Public Relations) có nghĩa là Quan hệ công chúng. Quan hệ công chúng là các hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng các chiến lược truyền thông. Mục đích là để tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với công chúng.

Thực tế, PR là một trong ba công cụ chính trong hoạt động Promotion (gồm advertising, sale promotion và public relations). Chúng dùng để hỗ trợ xúc tiến các sản phẩm và xây dựng hình ảnh công ty.

Content Quảng Cáo (Advertising) là gì?

Content quảng cáo dùng để giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, công ty hay ý tưởng. Thương hiệu có thể quảng cáo thông qua các kênh truyền thông khác nhau như đài phát thanh, truyền hình. Hay biển quảng cáo, tờ rơi, thư trực tiếp, quảng cáo trên Internet. 

Quảng cáo sẽ được chạy nếu như đảm bảo nguồn ngân sách. Trên các kênh truyền hình lớn chúng ta có thể thấy nhiều nhãn hàng có ngân sách vững mạnh sẵn sàng chi cả tỷ đồng cho một vài phút quảng cáo.

Vai trò của content PR và content quảng cáo

Pr và quảng cáo đều rất cần thiết trong việc mang sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Nó tạo ấn tượng và lòng tin ở người tiêu dùng. Mục đích chính của quảng cáo và pr đều là quảng bá hình ảnh, sản phẩm. Đồng thời giúp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị chất lượng thương hiệu. 

Nếu như không có các hình thức quảng cáo, pr thì thương hiệu sẽ khó phát triển. Đặc biệt là các thương hiệu nhỏ, vừa hình thành. 

Khác biệt giữa content PR và content quảng cáo

Chúng ta có thể phân biệt PR và quảng cáo thông qua những yếu tố sau:

1. Các hoạt động chính

Các hoạt động của PR thường là thông cáo báo chí, sự kiện kinh doanh, talkshow. Hoặc là quan hệ truyền thông, tài trợ và hợp tác trong các dự án hay sự kiện. Trong khi đó, các hoạt động quảng cáo sẽ bao gồm quảng cáo trên radio, truyền hình, chiến dịch gửi email. Hoặc cũng có thể là quảng cáo trên biển hiệu hoặc trên social media. 

2. Đối tượng tiếp cận

Với content PR thì đối tượng tiếp cận thường chú trọng chủ yếu vào các cơ quan báo chí- truyền thông, chính phủ. Hoặc đơn giản là các cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan khác. Nói cách khác thì những người mà họ tiếp cận ở đây không nhất thiết là đối tượng bỏ tiền để mua sản phẩm hay dịch vụ.

Còn với quảng cáo, đối tượng của họ là lượng khách hàng tiềm năng, khách hàng mục tiêu. Biến những người không có nhu cầu trở thành có. Thúc đẩy những ai có nhu cầu mua sản phẩm/dịch vụ của họ.

3. Khả năng sáng tạo

Bởi vì phải trả rất nhiều tiền để đăng quảng cáo cho nên người làm quảng cáo hoàn toàn có thể sáng tạo nội dung theo ý muốn. Sau đó, những nội dung này được đăng tải nguyên bản lên các phương tiện truyền thông hay in ấn.

Ngược lại với content PR, các tờ báo có quyền không đưa những nội dung bạn gửi lên trang báo. Nếu họ cho rằng nội dung đó là không phù hợp hay lý do nào đó. Ngoài ra, họ cũng có quyền chỉnh sửa content PR của bạn

4. Phong cách viết giữa content PR và content quảng cáo

PR nhằm mục đích duy trì hình ảnh tích cực, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp cho nên văn phong mang tính sang trọng, chuyên nghiệp. Bài viết khá dài, logic để giới thiệu một cách tự nhiên về công ty cũng như các sản phẩm và dịch vụ. Viết với phong cách nghiêm túc và mang tính chuẩn mực cao.

Ngược lại, khi nghĩ về quảng cáo thường sẽ trực tiếp, kêu gọi hành động ngay, nhiều khi quá lộ liễu. Tùy vào ngành hàng cũng như tình hình thực tế mà văn phong quảng cáo sẽ biến hóa cho phù hợp. Có khi nó là vui nhộn, hài hước, khi lại thẳng thắn, rõ ràng. Tóm lại, trong quảng cáo người viết sử dụng văn phong linh hoạt, đa dạng.

5. Độ tin cậy

Đây cũng là cách phân biệt content PR và content quảng cáo. Người tiêu dùng biết rằng đó chỉ là một quảng cáo nên họ vẫn hoài nghi và không dễ tin tưởng. Trong khi đó, PR được đăng tải bởi bên thứ ba, ngôn ngữ lại khoa học, chuẩn mực hơn nên dễ dàng tin tưởng. 

6. Thời hạn

PR chỉ có thể xuất hiện duy nhất một lần cho những khi gửi thông cáo báo chí, giới thiệu sản phẩm. Đây là cách dễ dàng để phân biệt PR và quảng cáo khi mà quảng cáo cực kỳ chủ động về thời gian xuất bản. Chỉ cần trả tiền là biết chắc chắn về mặt thời gian, lịch trình phát sóng. Thường thì, vòng đời của PR sẽ ngắn hơn quảng cáo rất nhiều.

7. Mức độ kiểm soát

Trong quảng cáo, nhà quảng cáo có toàn quyền kiểm soát quảng cáo, tức là khi nào, như thế nào và những gì sẽ được hiển thị cho mọi người. Với PR, nơi công ty có thể đưa ra câu chuyện, nhưng không có quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông sử dụng và bên thứ 3 là người kiểm chứng.

8. Ý nghĩa

Chúng ta cũng có thể phân biệt content PR và content quảng cáo thông qua ý nghĩa. Quảng cáo là một kỹ thuật thu hút sự chú ý của công chúng đối với các sản phẩm hoặc dịch vụ, chủ yếu thông qua các thông báo trả phí. PR là một thực tiễn truyền thông chiến lược nhằm xây dựng mối quan hệ cùng có lợi giữa công ty và công chúng.

Có thể nói content PR và content quảng cáo tuy khác nhau nhưng đều có mục đích chung là phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Từ đó giúp khơi dậy nhu cầu của khách hàng. Đồng thời đáp ứng các nhu cầu đó một cách có hiệu quả hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Vậy nên, các thương hiệu cần phải sử dụng đúng và kết hợp nhuần nhuyễn để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về marketing tại đây

Cùng chuyên mục