0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Nhân viên giỏi nghỉ việc – Đừng để chảy máu chất xám

Ảnh hồ sơ
Admin MPG
18/05/2021

Để tăng tốc phát triển, các công ty thường phải chiêu mộ nhiều nhân sự giỏi, nhưng khi đã lớn mạnh, không phải công ty nào cũng giữ chân được các công thần đó, dù họ đang giữ vị trí quản lý cấp cao, họ cũng sẽ nghỉ việc. Đôi khi không phải là vì tiền bạc hay địa vị, mà thường đến từ tinh thần, đè nặng lên tâm trí, theo thời gian tác động đến quyết định nghỉ việc của họ. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nhân viên ở các công ty, doanh nghiệp.

Từ trải nghiệm cá nhân và kinh nghiệm từ 1 số bạn bè, thì dưới đây là 11 nguyên nhân thường gặp khiến các công  phải đổi mặt với tình trạng chảy máu chất xám ồ ạt.

1. Bị thiếu tôn trọng và đánh giá thấp năng lực.

Đây là điều tối kỵ vì nhân sự giỏi thì lòng tự trọng thường rất cao, họ cần được trao quyền, tôn trọng cũng như tạo động lực. Không ai muốn tiếp tục làm việc chăm chỉ và mang lại giá trị cho một công ty nếu những nỗ lực của họ bị phủ nhận.

Họ sẽ cảm thấy thất vọng khi bị phớt lờ những ý kiến đóng góp, bị thất hứa, cắt giảm các khoản tiền thưởng vô lý, không đúng với cam kết ban đầu.

2. Không được công nhận hay khen thưởng

Ai cũng cần một câu khen ngợi, một lời cảm ơn hay một sự công nhận cho những nỗ lực mà họ đã bỏ ra. Không cần phải có chứng nhận hay một khoản tiền thưởng hậu hĩnh, nhưng nếu thiếu cả những lời cảm ơn hay khen ngợi thì họ cảm thấy những phấn đấu đó dường như vô giá trị.

3. Có thưởng nhưng không công bằng

Không ai muốn làm việc trong một môi trường quá cảm tính và sếp không thể đánh giá đúng mức năng lực, đóng góp của từng người.

Những nhân viên xuất sắc luôn muốn nhận được giá trị tương đương với vị trí họ đảm nhiệm, công sức họ bỏ ra.

Nếu họ nhận thấy sự bất công thì chắc chắn sẽ chuyển môi trường tốt hơn để cống hiến. Dù có thể sang đó mức lương của họ chưa chắc đã cao hơn, nhưng ít nhất họ không phải chứng kiến sự bất công mỗi ngày.

4. Thưởng công bằng nhưng không có cơ hội thăng tiến hoặc không phù hợp với mục tiêu dài hạn

Các nhân viên giỏi luôn muốn tiếp tục phấn đấu và trao cơ hội thăng tiến liên tục.

Muốn gắn kết nhân viên giỏi, hãy đưa cho họ lộ trình phát triển, nuôi dưỡng họ và tạo thách thức để họ “có đất trổ tài”, nhưng phải phù hợp với định hướng, mục tiêu dài hạn mà họ muốn hướng tới.

Như tôi đã từng nghỉ Medelab chỉ vì muốn chuyển sang làm Marketing cho các nhãn Dược, vì tôi xác định đó mới là hướng đi lâu dài. Hay tôi biết nhiều bạn rất có tố chất CSKH đã phải nghỉ để tìm cơ hội làm trợ lý nhãn.

5. Mọi thứ đều ổn nhưng lãnh đạo thiếu niềm tin, dập tắt nhiệt huyết bằng sự vùi dập không thương tiếc

Nhân viên giỏi họ sẽ muốn được tin tưởng và trao quyền tự quyết, thay vì bị giám sát, yêu cầu trình duyệt từng việc nhỏ. Điều này sẽ khiến họ mệt mỏi, căng thẳng và không thể làm tốt nhất năng lực tiềm ẩn.

Họ cũng thường tràn đầy năng lượng, hào hứng với những ý tưởng sáng tạo mới, nhưng lại nhanh chóng bị tụt mood nếu liên tục bị vùi dập trong các cuộc họp căng thẳng, thiếu tính xây dựng, thay vì khuyến khích và trao cơ hội để dám thể hiện ý kiến.

Họ chẳng còn đủ nhiệt huyết thức đêm làm các bản kế hoạch để rồi chưa kịp trình bày đã bị phản bác, coi thường, mà dễ buông trôi theo lối mòn và rơi vào trạng thái chán nản, hay tệ hơn là muốn bỏ việc để thoát khỏi tâm lý tiêu cực đó.

Nên giờ tôi luôn trân trọng mọi ý tưởng của nhân viên và khuyến khích các bạn đưa ra ý kiến, rồi cùng nhau thảo luận, thay vì lấy sự chủ quan của mình để phản bác thẳng tay.

6. Quản lý cấp trung không có khả năng dẫn dắt

Chọn sai quản lý cấp trung sẽ khiến nhân viên giỏi nghỉ việc theo dây chuyền nếu họ cảm thấy không phục.

Việc quản lý cấp trung đủ tầm tư duy dẫn dắt, duy trì sự công bằng và chuyên nghiệp là cực kỳ quan trọng để giữ nhịp, gắn kết các nhân sự trong bộ phận.

Quản lý không biết cách tạo động lực, không chỉ ra hướng đi thích hợp hoặc không đưa ra những nhận xét, góp ý giá trị sẽ khiến nhân viên giỏi sẽ trở nên “lạc lõng”, thậm chí còn bị trù dập.

7. Văn hóa xuống dốc, mất đoàn kết nội bộ

Nhân sự giỏi sẽ nghỉ việc khi họ cảm thấy văn hóa doanh nghiệp đang đi xuống, mọi người hoài nghi, soi xét nhau, mâu thuẫn, tranh cãi từ những việc nhỏ nhất, mọi năng lượng có trong công ty đều trở nên tiêu cực và tâm lý ức chế ngự trị suốt 8 tiếng.

Khi cảm thấy lạc lõng, không tìm được tiếng nói chung, không ai còn muốn ở lại nơi đó nữa, và họ sẽ chọn cách bỏ việc trước khi áp lực vô hình đó gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của họ.

Đây là điều mà tôi sợ nhất nên không bao giờ để bản thân rơi vào hoàn cảnh đó, dù trước đây đi làm thuê hay giờ là tự mình tạo sân chơi cho các bạn Pharmaco.

8. Cảm thấy quá căng thẳng, không có sự hỗ trợ

Đừng để những nhân sự giỏi phải cảm giác đang gồng mình lên để gánh cả team khi mọi việc đổ hết lên đầu, chỉ vì họ luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Làm việc quá sức sẽ phản tác dụng vì có thể khiến 1 nhân sự giỏi nhất không còn đủ tỉnh táo để xử lý hiệu quả và đảm bảo đúng deadline.

Hãy phân chia công việc khoa học, đừng dồn tất cả áp lực lên 1 người.

9. Không để họ cân bằng công việc – cuộc sống

Nhiều sếp không nhận ra điều này khi chỉ biêt yêu cầu nhân viên dồn hết trí lực vào công việc, mà quên tạo ra các buổi liên hoan, du lịch để họ relax, thậm chí còn can thiệp thô bạo vào vấn đề nghỉ phép của nhân sự khi đưa ra 1 loạt các câu hỏi chất vấn trước khi ký đơn.

Mọi người ai cũng muốn có nhiều thời gian hơn với gia đình và không muốn bị quá kiệt sức. Hãy để họ có thời gian tái tạo sức lao động và cảm hứng sáng tạo.

Làm việc không ngừng nghỉ, quên cả cuối tuần và các ngày lễ tết, chỉ là tâm lý của những ông bà chủ, đừng áp lên nhân viên. Tôi không bao giờ hỏi lý do nhân viên nghỉ phép, kể cả 1 tuần liên tục, bởi đó là quyền lợi chính đáng mà họ được nhân khi đã làm việc vất vả cả năm.

10. Xa rời giá trị cốt lõi

Nhiều nhân sự giỏi nghỉ việc khi họ không còn phù hợp với Doanh nghiệp khi công ty đánh mất những giá trị cốt lõi ban đầu, có thể do đổi người lãnh đạo, cũng có thể do định hướng phát triển mới. Nên mới có những tình trạng thay máu cả 1 bộ phận khi có sếp mới về.

Không có một sức hút nào, kể cả về tài chính có thể níu kéo những người giỏi ở lại với tổ chức, khi họ đã không còn tìm thấy mục tiêu chung với doanh nghiệp.

11. Thấy nhân viên giỏi khác rời đi

Đây là hiệu ứng tâm lý Domino rất khó tránh khỏi, nhất là khi bản thân họ đang có sẵn những điều không hài lòng trước đó.

Không nhất thiết phải giữ chân tất cả nhân sự giỏi, nhưng cần xác định những vị trí nòng cốt, những linh hồn tạo dựng, gắn kết văn hóa doanh nghiệp, để biến họ những “cây cầu” kết nối nội bộ.

Cùng chuyên mục